Bóng đá hiện đại luôn tồn tại chuyện về các ngôi sao chớp lóe rồi vụt tắt – những cầu thủ trẻ được nhận nhiều kỳ vọng nhưng rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Brandon Williams chính là một ví dụ điển hình, khi chỉ sau vài trận ấn tượng tại Manchester United, cầu thủ này nhanh chóng trở thành tâm điểm của truyền thông và được gán cho nhiều danh xưng hào nhoáng.
Sự nghiệp của Williams tại Manchester United bắt đầu đầy hứa hẹn vào mùa giải 2019/20. Kể từ đó, anh có 51 lần ra sân cho “Quỷ Đỏ” trên mọi đấu trường, trong đó chơi 17 trận tại Premier League. Lối chơi năng nổ và quyết liệt của hậu vệ này nhanh chóng chiếm được cảm tình của người hâm mộ, đặc biệt trong bối cảnh Luke Shaw lúc bấy giờ vắng mặt dài hạn vì chấn thương.
Nhưng ở bóng đá đỉnh cao, liệu sự nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu có đủ để tạo nên một sự nghiệp thành công? Câu trả lời rõ ràng là không. Bóng đá hiện đại đòi hỏi ở vị trí hậu vệ không chỉ là khả năng tắc bóng hay đeo bám đối thủ, mà còn là khả năng đọc trận đấu, hỗ trợ tấn công và tư duy chiến thuật toàn diện.

Nhìn sâu hơn vào các thống kê, dù Williams có thể gây ấn tượng với 1,88 lần tắc bóng và 0,99 lần cắt bóng thành công mỗi trận ở mùa giải 2019/20, nhưng anh thường xuyên mắc lỗi vị trí, thiếu kỹ năng phòng ngự 1 đấu 1, và có xu hướng xử lý bóng thiếu an toàn dưới áp lực. Những điểm yếu này ngày càng bộc lộ rõ khi phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt của Premier League.
Cơ hội của Williams tại Manchester United càng thu hẹp khi anh chỉ có 4 lần ra sân ở mùa giải tiếp theo, không thể cạnh tranh với Alex Telles hay Luke Shaw. Giải pháp cho tình trạng này là một bản hợp đồng cho mượn tại Norwich City mùa 2021/22.
Dù có 26 trận tại Premier League, Williams không thể hiện được nhiều trong một tập thể Norwich rệu rã và thiếu kinh nghiệm. Càng đáng lo ngại hơn khi anh thường xuyên bị đánh giá là mắt xích yếu nhất hàng thủ, với lối phòng ngự hời hợt và gần như không đóng góp gì cho mặt trận tấn công.
Mùa giải 2022/23 chứng kiến sự biến mất hoàn toàn của Brandon Williams khỏi đội hình Manchester United dưới thời Erik ten Hag – HLV đề cao độ chi tiết trong chiến thuật và sự chính xác khi xử lý bóng. Dưới thời Erik ten Hag, Williams chỉ có đúng 1 lần xuất hiện ở Carabao Cup và không được chơi một phút nào tại Premier League.
Hệ quả, anh bị thanh lý hợp đồng ở tuổi 23 – độ tuổi đáng lẽ phải bước vào giai đoạn hứa hẹn nhất của sự nghiệp. Tình cảnh còn trở nên tệ hại hơn khi cho đến nay, tức hơn một năm qua, Williams vẫn trong tình trạng thất nghiệp. Trong khi các đồng đội cùng lứa như Mason Greenwood, James Garner hay Hannibal Mejbri đều tìm được nơi tiếp tục sự nghiệp, Williams lại chưa thểm tìm kiếm bến đỗ mới, ngay cả ở các đội bóng trung bình hay giải hạng Nhất.
Truyền thông Anh với xu hướng thổi phồng tài năng nội địa rõ ràng góp phần không nhỏ vào việc tạo nên hình ảnh sai lệch về Williams. Không phủ nhận anh từng có những thời điểm hứa hẹn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc anh sở hữu đẳng cấp để gắn bó lâu dài với một đội bóng lớn như Manchester United.
Việc vội vàng ca ngợi một cầu thủ chỉ sau vài trận đấu tốt là con dao hai lưỡi, tạo áp lực khổng lồ khi bản thân người trong cuộc chưa đủ chín chắn để gánh vác. Câu chuyện của Brandon Williams mang đến bài học sâu sắc cho cả truyền thông và người hâm mộ: đừng vội gán mác “tài năng lớn” chỉ sau vài trận thi đấu ấn tượng.
Bóng đá đỉnh cao là hành trình kiểm chứng dài hơi, nơi những phẩm chất thực sự chỉ bộc lộ sau nhiều mùa giải liên tiếp. Với Williams, khi ánh đèn sân khấu tắt dần, điều còn lại chỉ là một hồ sơ mờ nhạt và quá khứ từng được truyền thông “nhào nặn” quá đà.
Nguồn tin: Bongdalu