Chelsea đang đối mặt với làn sóng nghi ngờ và chỉ trích sau khi thực hiện thương vụ nội bộ gây tranh cãi: bán đội bóng nữ cho chính công ty mẹ BlueCo 22. Dù động thái này giúp “The Blues” tạo ra khoản lợi nhuận kế toán đáng kể, Premier League chưa phê duyệt thương vụ, đồng thời đặt dấu hỏi về tính minh bạch và hợp lệ của nó.
Theo báo cáo tài chính mùa giải 2023/24 vừa được Chelsea công bố, CLB đã thu về 198 triệu bảng từ việc “tái cấu trúc” Chelsea Football Club Women Ltd – một phần trong hoạt động chuyển nhượng các công ty con cho tập đoàn sở hữu CLB là BlueCo. Trong đó, đội nữ và sân Kingsmeadow (hiện là sân nhà của đội nữ) được cho là những tài sản trọng yếu trong thương vụ.
Điều đáng chú ý là Chelsea tuyên bố đạt lợi nhuận trước thuế 128,4 triệu bảng, sau khi từng lỗ 90 triệu bảng ở mùa giải trước. Đây là cú lội ngược dòng tài chính ngoạn mục, phần lớn nhờ vào hai khoản thu lớn: 152,5 triệu bảng từ việc bán cầu thủ, và 198,7 triệu bảng từ việc chuyển nhượng công ty con – trong đó có đội nữ.
Tuy nhiên, Premier League đến nay chưa chính thức công nhận định giá thương vụ này. Ban tổ chức giải đấu đang xem xét liệu đây có phải là giao dịch hợp lý giữa các “bên liên quan” hay không, và mức định giá có phản ánh đúng giá trị thị trường hay không. Việc Chelsea định giá đội nữ ở mức cao như vậy khiến nhiều người liên tưởng đến chiêu thức “làm đẹp sổ sách”.

Để so sánh, Lyon Féminin – đội bóng nữ thành công nhất châu Âu – được bán với giá khoảng 45 triệu bảng vào năm 2023. Trong khi đó, đội bóng nữ Angel City của Mỹ được đấu giá lên tới 190 triệu bảng. Dù Chelsea có lý do để định giá cao đội nữ của mình, con số gần 200 triệu bảng vẫn là điều khiến nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ.
Mặc dù vậy, khả năng Chelsea vi phạm quy tắc tài chính (PSR) là không cao, bởi tổng thể báo cáo tài chính vẫn nằm trong giới hạn được phép của chu kỳ ba năm. Tuy nhiên, nếu Premier League yêu cầu điều chỉnh lại giá trị thương vụ, “The Blues” có thể mất một phần lợi nhuận đã ghi nhận.
Trong tuyên bố chính thức, Chelsea khẳng định việc tách riêng đội nữ sẽ giúp CLB “tập trung tối đa vào chiến lược phát triển dài hạn” cho bóng đá nữ – bao gồm cả ngân sách, quản trị và thương mại.
Dù mục tiêu có thể chính đáng, cách làm của Chelsea lại khiến người ta nhớ tới những “chiêu trò tài chính” từng khiến nhiều CLB khác trả giá. Premier League sẽ còn mất thời gian để thẩm định, nhưng rõ ràng, Chelsea đang bước đi trên lằn ranh mong manh giữa sáng tạo và lách luật.
Thành công tài chính có thể là tạm thời, nhưng lòng tin thì không dễ mua bằng những con số.
Nguồn tin: Bongdalu