Từ chọc mắt đến bóp mũi, Jose Mourinho vẫn là một nhân vật không thể thiếu của bóng đá hiện đại, người mà dù bạn yêu hay ghét, vẫn buộc bạn phải hướng ánh nhìn về phía ông. Và có lẽ, đó chính là chiến thắng lớn nhất của “Người đặc biệt” trong thời kỳ hoàng hôn sự nghiệp.
Mourinho chiếm trọn mọi tiêu điểm. Không phải bằng một chiến thuật xuất sắc, không phải bằng những phát biểu gây sốc, mà bằng một hành động khó tin: bóp mũi HLV đối phương ngay trên sân cỏ.
Khoảnh khắc ấy xảy ra nhanh như chớp nhưng không thoát khỏi tầm ngắm của ống kính truyền hình. Ngay sau trận tứ kết Cúp Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra rạng sáng 3/4, nơi Fenerbahce của Mourinho nhận thất bại 1-2 trước Galatasaray, vị HLV 62 tuổi lao thẳng về phía Okan Buruk – người đồng nghiệp bên phía đội chiến thắng.

Và rồi, trong phút giây bất ngờ, bàn tay ông vươn ra, bóp thẳng vào mũi đối phương khiến Buruk ngã xuống sân, ôm mặt đau đớn. Các nhân viên phải lập tức can thiệp, kéo Mourinho ra khỏi hiện trường hỗn loạn, trong khi cả thế giới bóng đá sững sờ chứng kiến cảnh tượng vừa diễn ra. Một câu hỏi hiện lên trong tâm trí tất cả: Tại sao?
Có lẽ, câu trả lời nằm trong mối thù được ấp ủ từ lâu. Đầu năm nay, sau một trận derby khác giữa hai đội tại giải VĐQG, Mourinho không ngần ngại mô tả Buruk “nhảy nhót như một con khỉ trong rạp xiếc” khi phản ứng với các quyết định của trọng tài. Và giờ đây, khi Galatasaray một lần nữa khiến Fenerbahce phải nếm trải thất bại, sự kiềm chế cuối cùng trong con người Mourinho dường như vỡ vụn.
Lịch sử lặp lại, khiến nhiều người không khỏi nhớ về khoảnh khắc Mourinho chọc tay vào mắt Tito Vilanova – khi ấy là trợ lý của Pep Guardiola tại Barcelona – vào năm 2011. Một vết nhơ mà ông mang theo suốt sự nghiệp, và giờ đây, ở tuổi 62, Mourinho vẫn chọn cách hành xử hung hăng như thời đỉnh cao.
Những ai theo dõi sự nghiệp của “Người đặc biệt” hẳn không quá ngạc nhiên. Mourinho luôn là bậc thầy về chiến tranh tâm lý, người sẵn sàng đẩy ranh giới để giành lợi thế cho đội bóng của mình. Nhưng điều gì xảy ra khi chiến thuật không còn hiệu quả? Khi bóng đá phát triển vượt qua những triết lý cố hữu của ông?
Có lẽ chính khi ấy, Mourinho buộc phải quay về với bản năng nguyên thủy nhất – tạo ra drama, tạo ra xung đột, để thu hút mọi sự chú ý về phía mình.
Kể từ khi Mourinho đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ vào hè năm ngoái, mối thù giữa Galatasaray và Fenerbahce bỗng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Về mức độ căng thẳng, nó không hề kém cạnh cuộc đối đầu giữa Real Madrid và Barcelona thời điểm Mourinho và Guardiola còn so găng.
Nhưng khác với quá khứ huy hoàng tại Santiago Bernabeu, Mourinho giờ đây phải đối mặt với viễn cảnh trắng tay trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Fenerbahce. Thất bại trước Galatasaray ở Cúp Quốc gia khiến Fenerbahce mất đi cơ hội giành danh hiệu. Trên bảng xếp hạng giải VĐQG, đội bóng của Mourinho cũng đang tụt lại 6 điểm so với chính Galatasaray. Ngay cả khi thắng trận đấu bù, họ vẫn phải chờ đối thủ sẩy chân mới có cơ hội lật ngược tình thế.
Áp lực chiến thắng, nỗi sợ trắng tay và sự cay cú trước đối thủ truyền kiếp – tất cả như ngọn lửa âm ỉ, và rồi bùng cháy trong khoảnh khắc Mourinho bóp mũi Buruk. Hành động ấy xứng đáng bị lên án, nhưng lại phản ánh chân thực nhất con người Mourinho: một kẻ phản diện vĩ đại của bóng đá hiện đại, người không bao giờ ngần ngại biến mình thành tâm điểm của mọi sự chú ý.
Mourinho từng phải nhận án cấm chỉ đạo 4 trận vì những phát ngôn gây tranh cãi sau cuộc đối đầu với Galatasaray hồi đầu năm. Lần này, hình phạt chắc chắn sẽ nặng hơn, nhưng dường như “Người đặc biệt” chẳng mảy may quan tâm. Ông sẵn sàng trả giá để đạt được mục đích của mình – thu hút mọi ánh nhìn, tạo ra áp lực lên đối thủ và trọng tài, để rồi tìm kiếm cơ hội lật ngược tình thế.
Nguồn tin: Bongdalu